Rau là loại cây trồng có nhiều sâu bệnh hại khác nhau. Khi cần thiết, anh/chị nông dân có thể ra các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương để được tư vấn kỹ thuật và mua được những loại thuốc thích hợp để phòng trừ sâu bệnh cho rau. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nếu không được sử dụng đúng lúc, đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hiệu quả phòng trừ.
Sâu hại rau
Vườn rau gia đình thường bị các loại sâu hại chính như sâu xám phá hoại cây con, sâu đục quả, sâu xanh ăn lá, rệp, sâu khoang, bọ nhảy…
Ở mật độ ít, anh/chị có thể bắt bằng tay lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Ngắt bỏ những ổ trứng sâu đem thiêu hủy.
Khi mật độ sâu hại cao, có thể sử dụng một số thuốc sinh học tự chế để phun phòng trừ.
Dưới đây chúng tôi giới thiệu một số cách giúp anh/chị có thể tận dụng các vật liệu có sẵn tại địa phương để tạo những loại thuốc thảo mộc vừa có tác dụng phòng trừ một số loại sâu trên, vừa đảm bảo được vệ sinh an toàn thực, vệ sinh môi trường.
Hạt củ đậu: lấy 1 nắm hạt củ đậu giã nhỏ ngâm với 15 bát nước trong 3 – 4 giờ, sau đó lọc lấy nước cho vào bình phun để phòng trừ rệp, bọ nhảy, bọ cánh cứng, nhện đỏ hại rau, bầu bí.
Lá xoan: lấy một nắm lá cây xoan đun với 2 lít nước, để sôi khoảng 10 phút. Chắt lấy nước pha loãng với 5 – 6 lần nước lã để phun trừ rệp, sâu xanh hại rau.
Dung dịch gừng, ớt, tỏi: lấy một nắm ớt, hai nắm tỏi, hai củ gừng to bằng bàn tay giã nát với nhau cho ngâm với 1 lít rượu trắng, cho thêm 1 bát nhỏ rỉ mật (nếu có) ngâm ít nhất 10 ngày là có dung dịch rượu có thể sử dụng để phun phòng trừ sâu xanh, sâu xám hại rau. Khi phát hiện vườn rau có sâu, chắt 1 chén dung dịch ngâm pha với khoảng 3 – 4 lít nước phun đều cho rau vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để phòng trừ sâu xanh, sâu tơ, sâu xám hại trên cây rau.
Ngoài ra, có thể sử dụng vôi bột, bồ hóng rắc lên ruộng cũng có tác dụng trừ sâu xám, sâu xanh ăn lá hiệu quả.
Bệnh chính hại rau
Các bệnh chính hại trên rau là bệnh lở cổ rễ, bệnh thối nhũn cây con, bệnh sương mai… Để hạn chế việc sử dụng thuốc độc hại trừ sâu bệnh, anh/chị nên áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp:
Vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất trước khi trồng bằng vôi bột. Lượng bón khoảng 1kg/10m2.
Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, cây khỏe sẽ làm tăng khả năng chống chịu bệnh.
Bố trí luân canh cây trồng hợp lý để tránh lây lan nguồn bệnh từ vụ này sang vụ tiếp theo.
Lựa chọn giống có khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Xử lý hạt giống trước khi trồng.
Bón phân hữu cơ đã được ủ hoai mục hoàn toàn để tránh lây nguồn bệnh từ phân bón.
Sắp xếp thời vụ trồng hợp lý để thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng.
Khi phát hiện có cây bệnh, cần nhổ bỏ đi tiêu hủy để tránh lây lan, đồng thời bón vôi khử trùng vào khu đất có cây bệnh. Cần chú ý tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa, tránh để ruộng rau ngập úng rất dễ phát sinh nguồn bệnh.
Nguồn:
St Nguyễn Xuân Xanh – Nguyễn Ngọc Sơn.
Có thể bạn quan tâm:
Các bệnh chính hại rau và cách phòng trừ.
5 bước đơn giản để ươm cây giống.
Kỹ thuật cơ bản để trồng rau thành công.
Thế nào là vườn rau dinh dưỡng?
3 cách ủ giá ngon ngọt tại nhà.
Giá trị dinh dưỡng của giá đỗ.
Sự thật thú vị có thể bạn chưa biết về các loại trái cây.