TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÁC LOẠI RAU

  1. Bứng cây giống

Khi cây giống được 3 – 4 lá thật, bứng cẩn thận tránh để dập nát để đưa ra vườn trồng. Loại bỏ các cây còi cọc hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Lưu ý: Cần bứng cây cùng với đất để đảm bảo rễ cây không bị tổn thương (giúp cây phát triển nhanh sau trồng, hạn chế bệnh xâm nhập).

2. Thời điểm trồng

Khi trồng rau chú ý chọn thời điểm trồng thích hợp để thuận lợi cho cây nhanh bén rễ, hồi xanh. Chú ý xem dự báo thời tiết và quan sát thời tiết trước khi trồng. Về mùa hè, nên chọn trồng vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh trồng vào những ngày nắng nóng hay ngày có mưa lớn. Về mùa đông, không nên trồng vào những ngày nhiệt độ xuống quá thấp hay dự báo có gió mùa, sương muối…

3. Mật độ trồng

Tùy đặc điểm sinh trưởng của từng loại rau mà trồng với mật độ thích hợp với nguyên tắc: đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày. Cây trồng trên luống đảm bảo đều tiếp nhận được lượng ánh sáng, dinh dưỡng như nhau để phát triển đồng đều. Ví dụ cùng là đậu cô ve, nếu trồng vụ xuân gieo trên hàng cây cách cây 15 – 20cm, vụ hè gieo cách nhau 20 – 25cm, vụ thu thì gieo dày hơn, cách nhau từ 12 – 15cm.

Mật độ khoảng cách trồng của một số loại rau như sau:

Loại rau Khoảng cách giữa hàng và cây (cm)
Đậu đũa, đậu cove 55-60 x 15-20
Bắp cải 60-70 x 50-60
Cải thái, cải bẹ 40-50 x 25-35
Su lơ 55-60 x 45-50
Cà rốt 20×18-12
Rau ngót 40-45 x 20-25

 

Trong các điều kiện khác nhau như việc trồng xen, trồng gối hay trồng tận dụng trên các khoảng đất trống ta có thể điều chỉnh mật độ cho phù hợp.

4. Chăm sóc vườn rau

Làm cỏ, vui xới

Nên tiến hành vào những ngày khô ráo. Sau những trận mưa rào, khi đất còn ướt tuyệt đối không được xới xáo gốc vì sẽ làm đứt rễ, chột cây hoặc gây rụng hoa, rụng quả, đồng thời sâu bệnh hại dễ xâm nhập vào vết thương ở rễ, phá hoại cây.

Tùy loại cây mà xới nông sâu khác nhau. Ví dụ: củ cải, cà rốt, đậu tương cần xới nông, vun nhẹ. Nhưng với khoai tây, lạc cần xới sâu, vun cao để củ phát triển.

Điều tiết sinh trưởng của cây rau, gồm:

  • Giặm cây, giặm hạt: tiến hành sau khi các hạt gieo chính đã mọc đều được từ 3 – 5 ngày, còn các loại cây cấy thì nên giặm sau khi cây trồng đã bén rễ hồi xanh từ 5 – 10 ngày.

 

  • Tỉa bỏ cây thừa, cây xấu: tiến hành vào những ngày đẹp trời, đất tơi. Việc này quan trọng giúp cây sinh trưởng đồng đều, hạn chế sâu bệnh hại. Việc này có ý nghĩa lớn với các cây trồng gieo thẳng như một số loại cải, cà rốt.

Ví dụ: Cà rốt cần tiến hành tỉa 2 lần. Lần 1 khi cây cao 5 –8cm, loại bỏ cây xấu. Lần 2 khi cây cao 12 – 15 cm, tỉa định cây để cây nọ cách cây kia khoảng 10 – 12cm, hàng nọ cách hàng kia 20 cm.

  • Bắt tua, cắm dàn: Đối với một số cây thân leo như bầu bí, đậu đũa, đậu cô ve… Khi cây có tua cuốn cần phải bắc dàn hoặc cắm dóc cho cây cây leo.

Ví dụ: Với đậu cô ve, đậu đũa, trước khi cắm dóc phải xới đều mặt luống và vun vào gốc. Khi đậu leo được 2/3 dóc thì tỉa bớt lá chân đã già, lá bị bệnh.

  • Chống rét, chống nóng, chống hạn, chống úng: Để chống rét, nên bón phân chuồng ủ nửa hoai và phủ lớp bổi vào gốc, tưới rửa sương sau mỗi lần có sương giá.

Chống nóng bằng cách luôn tưới đủ nước để cây tự làm mát (qua quá trình thoát hơi nước) và giữ được đủ lượng nước cần thiết trong cây. Có thể phủ các lớp bổi như rơm rạ, thân ngô, lạc, đậu đỗ… vào gốc để giảm nhiệt độ và giữ ẩm cho cây.

Ngăn ngừa úng bằng cách lên luống mai rùa, lên luống cao, xẻ rảnh ở đầu luống để nhanh tiêu thoát nước…

Nguồn: St Nguyễn Xuân Xanh – Nguyễn Ngọc Sơn.

Có thể bạn quan tâm:

Các bệnh chính hại rau và cách phòng trừ.

5 bước đơn giản để ươm cây giống.

Kỹ thuật cơ bản để trồng rau thành công.

Thế nào là vườn rau dinh dưỡng?

3 cách ủ giá ngon ngọt tại nhà.

Giá trị dinh dưỡng của giá đỗ.

Tại sao trái cây lại chín?

Sự thật thú vị có thể bạn chưa biết về các loại trái cây.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *